Logo

You are here

Virtual safety car trong F1 là gì?

Chặng GP Đức chủ nhật hôm 28/7 vừa qua, xe an toàn (Safety Car - SC) liên tục phải xuất hiện. Đó là khi cờ vàng được phất lên và các biển báo điện tử tại các sector hiện dòng chữ SC. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xe an toàn không xuất hiện và các biển báo này hiện dòng chữ VSC – Virtual Safety Car.

Virtual Safety Car là gì?

Để có thể hiểu được Virtual Safety Car và tác dụng của nó, trước hết phải biết Safety Car là gì. Safety Car - Xe An Toàn, đúng theo tên gọi của nó là giải pháp hạn chế tốc độ của các tay đua F1 để đảm bảo an toàn khi có 1 tình huống khẩn cấp xảy ra. Ví dụ như thời tiết xấu hay 1 pha va chạm dẫn đến đường đua không còn đủ an toàn. Khi đó Safety Car (SC) sẽ xuất hiện và tất cả đoàn đua sẽ phải bám đuôi xe này theo tốc độ định trước và bị cấm vượt. Chỉ khi nào Giám đốc cuộc đua (Race Director) cho phép và xe SC rời khỏi đường đua, các tay đua mới được thoải mái thi thố tài nghệ.

virtual safety car trong f1 la gi
Safety Car hiện tại được tài trợ bởi Mercedes Benz

SC có nhược điểm là khi nó xuất hiện, các tay đua bị bỏ xa sẽ tranh thủ thu hẹp khoảng cách, khiến những nỗ lực tranh đấu trước đó là vô ích. Đưa SC vào sẽ không khác nào ấn nút restart cuộc đua. Nếu là ở những chặng cuối, nó có thể khiến tay đua đang dẫn đầu mất cơ hội vô địch. Đó là lý do Charlie Whitting, cố Race Director, người qua đời ngay trước khi mùa giải năm nay khởi tranh, không cho SC ra sân sau tai nạn của Adrian Sutil ở vòng 43/53 tại GP Nhật năm 2014. Quyết định này đã góp phần dẫn đến tai nạn của Jules Bianchi, tay lái trẻ tuổi - người được coi là có tương lai rực rỡ.

Tai nạn của Julian Bianchi:

Tay lái của đội Marussia tuy đã giảm tốc độ nhưng vẫn không đủ, dẫn đến lao thẳng vào một chiếc xe cẩu đang xử lý vụ tai nạn của Sutil vòng trước đó. Cú đâm khiến Bianchi sống thực vật trong suốt 2 năm, cho tới khi Bianchi bố, một tay đua lừng lẫy 3 lần vô địch GT và một lần ở Le Mans 24, quyết định ngắt ống thở của con trai mình.

Vụ tai nạn chết người đầu tiên kể từ năm 1994 là tác nhân thúc đẩy việc thử nghiệm Virtual Safety Car (VSC) và được FIA cho áp dụng ngay từ 2015.

VSC hiểu đơn giản là các thông báo trực tiếp đến từng xe. Tuy nhiên, cách làm lại rất phức tạp. Khi có tình huống khẩn cấp (2 cờ vàng) nhưng chưa đến mức cần SC xuất hiện, ban điều hành sẽ dùng VSC.

virtual safety car trong f1 la gi
VSC xuất hiện trên các biển thông báo

Mỗi đường đua có một thời gian trung bình chạy hết một vòng khác nhau. Ví dụ như ở đường đua Mỹ Đình, chặng Vietnam GP diễn ra vào năm sau, thời gian trung bình (dự tính) cho một vòng dài 5,5km là 1 phút 36. Thời gian này sẽ được cộng thêm 30% khi có VSC. Tức là khi có thông báo VSC, các tay đua phải giảm tốc để làm sao thời gian chạy hết một vòng sẽ là 2 phút 6 giây.

virtual safety car trong f1 la gi

Cẩn thận hơn nữa, thời gian này được chia nhỏ cho từng khoảng cách từ sector này đến sector tiếp theo, được thông báo ngay trên màn hình vô-lăng của các tay đua. Như vậy, các tay đua ngay lập tức phải giảm tốc độ nếu không muốn bị phạt (5-10 giây hoặc bị penalty). Quy định này còn có một điểm lợi lợi nữa là hầu như khoảng cách giữa các tay đua sẽ được giữ nguyên và khi có thông báo hết VSC, tính cạnh tranh của cuộc đua được bảo toàn.

Tất nhiên, sự rắc rối của VSC vẫn khiến nhiều tay lái phàn nàn nhưng đến giờ, nó vẫn là giải pháp chấp nhận được. Ảo mà thật, VSC là một trong số ít các công nghệ thông tin hiện đại mà các ông chủ F1 chấp nhận áp dụng trong F1.

Trên thực tế có thể bỏ hẳn SC, không cần tới một chiếc xe lao ra đường để kìm chế bầy quái thú có thể chạy tới 350km/h nữa. Có điều, các nhà tổ chức, với cái đầu nảy số nhanh hơn cả tay đua bấm phím trên vô-lăng, không muốn bỏ SC vì nhiều lý do. Vì nếu bỏ, đơn giản là họ sẽ mất rất nhiều nguồn thu từ tài trợ, quảng cáo và nhiều thứ khác.

Nguồn tin: https://news.otofun.net/virtual-safety-car-trong-f1-la-gi-17521.html