Logo

You are here

Ai là người ra quyết định huỷ một chặng đua F1?

ai la nguoi ra quyet dinh huy mot chang dua f1
Chặng đua F1 Úc được công bố huỷ vài tiếng trước khi chạy thử. Ảnh: Autoblog
Chặng đua F1 Việt Nam có thể tổ chức lại vào tháng mấy?

Bài viết “How Formula 1 approached the Australian GP cancellation” trên trang Formula 1 giải thích từng bước về trình tự mà các bên liên quan tham gia quyết định huỷ chặng đua F1 này. Tuy nhiên, còn câu hỏi về việc tại sao trong các quyết định huỷ chặng luôn có 3 bên, gồm Formula One, FIA và promoter và bên nào sẽ ra thông báo đầu tiên thì không thấy ai nói tới.

Cách thức tổ chức một chặng đua F1 khá đặc biệt. Nó không giống với bất kỳ giải thể thao lớn nào Việt Nam từng đăng cai. Nếu đăng cai World Cup, Việt Nam sẽ phải chi rất nhiều tiền cho việc nâng cấp các sân vận động cũng như cơ sở hạ tầng liên quan, trong khi FIFA chịu trách nhiệm mang các đội bóng tới và vận hành giải đấu.

Còn khi đăng cai một chặng đua F1, đơn vị tổ chức phía Việt Nam, cũng như ở các nơi khác, phải trả thêm một khoản tiền gọi là phí đăng cai (hosting fee) cho Formula One Group, đơn vị nắm giữ bản quyền giải đấu.

Formula One (còn gọi là Formula 1 hay F1), đừng nhầm với Formula One Group nêu trên, là giải đấu được FIA (Federation Internationale de l’Automobile) phê chuẩn, hay đúng hơn là giải đấu danh giá nhất của Liên đoàn ô tô quốc tế và cả thế giới. Nói nôm na, FIA được thừa nhận như một tổ chức có vai trò đặt ra các quy định và giám sát việc thực hiện nó ở nhiều giải đua lớn trên thế giới, trong đó có F1.

Đến đây ta đã hiểu vì sao trong các quyết định huỷ/hoãn các chặng đua của năm 2020 (đến giờ đã là 8 chặng), luôn phải có ý kiến đồng thuận từ bộ ba Formula 1, FIA và promoter.

Để rõ hơn vai trò của từng bên, ta cùng tìm hiểu chặng đầu tiên bị huỷ/hoãn của năm nay là chặng đua Úc - F1 Rolex Australian Grand Prix (thực ra là chặng thứ hai bị huỷ/hoãn). Cho tới tận thứ năm ngày 12/3, một ngày trước khi bắt đầu chạy thử, ý kiến của. các bên vẫn còn rất khác nhau.

ai la nguoi ra quyet dinh huy mot chang dua f1
Việc huỷ chặng đua F1 Úc là quyết định không dễ dàng. Ảnh: Autosport

Tình hình lúc đó như sau. Đội đua McLaren phát hiện có người dương tính với virus Corona, tuyên bố xin rút không đua chặng mở màn. Một cuộc họp khẩn diễn ra giữa Ross Brawn, Giám đốc điều hành mảng thể thao của Formula One Group, với các đội, có sự tham dự trực tuyến của Jean Todt, Chủ tịch FIA. Cuộc họp đi đến quyết định sẽ tuân theo quyết định của số đông các đội.

Còn các đội thì đang bất đồng ý kiến. Tình hình dịch bệnh lúc đó lan rộng và căng thẳng ở châu Á, nhưng phần còn lại của thế giới vẫn chưa nhận thức rõ về điều này. 4 đội sẵn sàng đua là Mercedes, Red Bull, AlphaTauri và Racing Point. 4 đội phản đối là Ferrari, Alfa Romeo, Renault và đương nhiên có McLaren. 2 đội còn lại, Haas và Williams tuyên bố bỏ phiếu trắng.

Tình thế cân bằng và Ross Brawn, Giám đốc điều hành mảng thể thao của Formula One Group, vẫn kiên trì cuộc đua sẽ tiếp tục. Lưu ý chính ông này vài ngày trước đó đã cứng rắn tuyên bố toàn bộ chặng đua sẽ bị huỷ nếu có bất kỳ một đội nào không được nhập cảnh vì đến từ vùng có dịch.

Theo truyền thông quốc tế, ngay đêm thứ năm, CEO của hãng Daimler là Ola Kallenius đã gọi điện cho lãnh đội Mercedes là Toto Wolff. Kallenius được cho là đã giao toàn quyền cho Wolff mà không đưa ra bất cứ gợi ý nào. Tuy nhiên, Wolff đã có quyết định của mình ngay sau đó và gọi điện cho Brawn để thông báo Mercedes sẽ rút khỏi chặng đua F1 Úc.

Cán cân xoay chuyển. Lúc này chỉ còn 5 đội, kể cả Haas và Williams, là giữ ý định đua. Nhưng theo một quy định của FIA, nếu có dưới 12 tay đua tham dự, chặng đua F1 đó có thể bị huỷ. Bóng lúc này trong chân FIA.

Cũng như các hợp đồng thông thường, chỉ trong trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định trước, Formula One Group và promoter của Úc là AGPC mới có thể quyết định huỷ việc tổ chức chặng đua Úc. Ngược lại, bất cứ bên nào đơn phương tuyên bố huỷ sẽ phải chịu hầu hết thiệt hại tài chính, trong khi vẫn phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

Với chặng Úc, tình thế còn khó khăn hơn các chặng khác vì một khi đã bỏ là phải huỷ luôn, không thể hoãn lại chờ dịp khác trong năm. Nguyên nhân là để tổ chức chặng này, AGPC cần sự cho phép của chính quyền phong toả một phần Albert Park trong 2 tháng cho công tác xây dựng trường đua và tiếp đó là 2 tuần cho việc tháo dỡ. Do đó, thông báo của FIA về việc không có đủ số tay đua tham dự chặng đã giúp giải toả tâm bệnh cho Formula One Group và AGPC. Kết quả là thông báo chung 3 bên như ta đã biết được công bố vào đúng sáng thứ sáu ngày 13 (tháng 3/2020).

Nguồn tin: https://news.otofun.net/ai-la-nguoi-ra-quyet-dinh-huy-mot-chang-dua-f1-18546.html