Logo

You are here

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát chuẩn sạc cho ô tô điện (phần 1)

Ô tô điện đang được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ra sao Tọa đàm về xu hướng ô tô điện tại Việt Nam Mất bao lâu để sạc đầy chiếc Vinfast VFe34 với bộ sạc Siemens? Du học sinh Việt Nam gửi tâm thư đến những chiếc ô tô điện

Việc VinFast công bố ba mẫu xe điện như chính thức báo hiệu việc Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài cuộc chiến sản xuất xe điện. Hướng đi này của VinFast có ý nghĩa hơn bất kể mẫu xe đang được sản xuất và bán đại trà nào. Là một công ty sản xuất ô tô non trẻ, việc VinFast bắt theo xu hướng sản xuất xe trong tương lai là một điều đáng mừng. Đây là lúc bắt đầu suy nghĩ đến hai vấn đề tối quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển của xe điện tại mọi thị trường: Pin và cổng sạc. Bài viết này dành riêng cho cổng sạc.

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát chuẩn sạc cho ô tô điện (phần 1)
Là một công ty sản xuất ô tô non trẻ, việc Vinfast bắt theo xu hướng sản xuất xe trong tương lai là một điều đáng mừng

Nhắc đến cổng sạc cho ô tô điện, mình nghĩ ngay đến thứ thân thuộc hơn: Smartphone. Thực ra đây là một ví dụ khá tương đương. Hy vọng nó sẽ giúp bạn dễ liên tưởng tới những thứ mịt mù rối rắm mang tên sạc ô tô điện. Điều mà mình ấn tượng nhất là ngày xưa, khi hỏi mượn nhau cái sạc là ai cũng đáp lại bằng một câu hỏi với một mô típ khá giống nhau: Dùng sạc Android/Samsung hay iPhone?”. Khi smartphone bắt đầu trở nên đại trà và một số hãng bắt đầu dùng chung một loại chuẩn, người tiêu dùng sẽ bắt đầu có những sự liên hệ chuẩn sạc với một số dòng điện thoại khác nhau. Với xe điện, một số chuẩn chung cũng đã được bắt đầu định hình.

Nhắc đến sạc tốc độ thông thường qua các ổ cắm bình thường mà hằng ngày chúng ta vẫn đang dùng cho đồ điện (điện xoay chiều/AC), có hai chuẩn mà toàn thế giới đã chấp nhận và sử dụng rộng rãi là Type 1 (SAE J1172) và Type 2 (IEC 62196, Mennekes). Riêng Type 2 hơi đặc biệt một chút (mình sẽ giải thích ở phía dưới). Chắc chắn rằng mẫu xe điện nào trên thị trường cũng có một cổng sạc riêng thuộc một trong 2 loại kể trên. Trong một ví dụ điển hình, nếu bạn đi xe đến hết sạch pin mà lại phải sạc chậm, rất có thể ngày hôm sau bạn sẽ phải bắt xe buýt đi làm hoặc mang sạc đến cơ quan sạc tiếp (do thời gian sạc đầy theo chuẩn sạc chậm có thể lên đến 24 giờ mới đầy pin).

Có thể hiểu nôm na rằng, kiểu sạc này giống với những cục sạc iPhone vuông vuông (1A) mà đi kèm với những chiếc iPhone 5 từ cách đây cả chục năm trước. Cắm dây sạc tương thích với máy bạn đang dùng và đảm bảo là điện thoại nào cũng sẽ sạc được, tuy có phần hơi chậm. Đồng thời, vì toàn bộ các hãng sản xuất xe trên thế giới đã đạt được tiếng nói chung về chuẩn sạc chậm, việc mua một cái adapter luân chuyển giữa Type 1 và Type 2 trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, cũng chính nhờ vào tốc độ sạc mà bất cứ chiếc xe điện nào cũng có thể sử dụng được.

mô hình các trạm sạc nhanh của VinFast đã được triển khai lắp đặt
Mô hình các trạm sạc nhanh của VinFast bắt đầu được triển khai lắp đặt tại Hà Nội

Nhưng nếu bạn đang vội, cần sạc nhanh rồi rút sạc còn đi tiếp thì có giải pháp gì? Yên tâm, các nhà sản xuất xe cũng đã nghĩ đến phần này cho bạn bằng một loại cổng sạc khác to hơn hẳn kèm với cổng sạc chậm kia. Trên tất cả các mẫu xe điện, cổng sạc nhanh được chia làm 4 loại chính: CHAdeMO, CCS Combo, GB/T và Tesla Supercharger.

Tôi có nhắc đến Type 2 ở trên như ví dụ đặc biệt, do Tesla sử dụng chính cổng sạc này cho việc sạc nhanh. Điểm chung của tất cả các chuẩn cổng sạc này là chúng đều dùng dòng điện một chiều (DC), 3 pha và sau khoảng 3 giờ là xe bạn sẽ sạc đầy. Hiểu nôm na, những chuẩn sạc nhanh này hơi giống với cục sạc nhanh thường đi kèm với những mẫu điện thoại flagship mới bây giờ (20-30W), hoặc cá biệt như các mẫu điện thoại của BBK Electronics (hãng mẹ của một số hãng đáng chú ý như Oppo, Vivo, Realme và Oneplus) đã trang bị cục sạc lên đến 65W, sạc 1-100% mà chỉ cần dưới 30 phút.

Dĩ nhiên, nếu bạn cắm sạc cho một chiếc điện thoại của hãng khác vào những cục sạc nhanh này, nhưng điện thoại của bạn lại không thể đáp ứng được dòng điện từ chúng, bạn cũng sẽ không thể sạc được nhanh hơn mức mà nhà sản xuất đã trang bị cho mẫu điện thoại của bạn; hoặc tệ hơn, bạn sẽ sạc với tốc độ chậm. Với xe điện cũng vậy, nếu bạn mang theo xe một chiếc adapter dành cho xe của bạn với chuẩn khác, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các trạm sạc đó, có điều bạn sẽ không thể sạc nhanh được như nhà sản xuất đề ra. Nhưng, các chuyên gia trên thế giới đang tranh cãi về một vấn đề khác: "Có quá nhiều chuẩn cổng sạc dành riêng cho việc sạc nhanh, làm cách nào để có thể quy hết về một hai chuẩn chung cho thị trường?"

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát chuẩn sạc cho ô tô điện (phần 1)
Các chuyên gia trên thế giới đang tranh cãi về một vấn đề: "Có quá nhiều chuẩn cổng sạc dành riêng cho việc sạc nhanh, làm cách nào để có thể quy hết về 1-2 chuẩn chung cho thị trường?"

Phân tích lịch sử một chút, CHAdeMO có mặt trên thị trường đầu tiên, với trạm sạc đầu tiên được xây dựng năm 2009, nhằm phục vụ cho chiếc Mitsubishi i-MiEV. Có thể nói, CHAdeMO là chuẩn sạc của người Nhật, dành cho xe Nhật (với các ông lớn như Nissan, Mitsubishi, Subaru, Toyota và Honda là thành viên của tổ chức CHAdeMO). Cách nhau một eo biển, Trung Quốc cũng đã có chuẩn GB/T dành riêng cho đại lục, được triển khai nhằm mục đích phục vụ những hãng xe nội địa, các startup về xe điện tại quốc gia này cũng như những mẫu xe điện quốc tế được bán tại cùng thị trường.

Có tuổi đời lâu năm như CHAdeMO, được quy chuẩn và phát triển bởi SAE (Society of Automotive Engineers- hiệp hội kỹ sư ô tô) cũng như ACEA (European Automobile Manufacturers Association- hiệp hội các hãng sản xuất xe ô tô Châu Âu), CCS Combo hiện đang là chuẩn cổng sạc được trang bị tiêu chuẩn cho những mẫu xe điện của Audi, BMW, Daimler, Ford, General Motors, Porsche và Volkswagen. Trái ngược với tất cả các chuẩn nói trên, Tesla đang độc quyền phát triển chuẩn sạc nhanh dựa trên cổng sạc chậm Type 2. Thể hiện rõ tâm thế muốn thống lĩnh thị trường, duy nhất xe của Tesla có thể sử dụng các trạm sạc với cổng sạc Supercharger này.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, biện pháp tối giản cũng như đơn giản nhất cho sự phát triển của xe điện là sử dụng các chuẩn cổng sạc lâu đời như CCS Combo, CHAdeMO do số lượng của các trạm sạc này cũng không phải là một con số nhỏ, cũng như đã được bao phủ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhưng bản thân mình lại nghĩ, ở thời điểm hiện tại đang chưa có một chuẩn nào thực sự giành được ưu thế. CHAdeMO và CCS Combo có lợi thế là có độ bao phủ ở nhiều quốc gia, nhưng tổng lượng trạm sạc của 2 chuẩn này chỉ vào khoảng 20.000 trạm- bằng một phần sáu lượng trạm sạc mà chuẩn GB/T đã xây dựng (dầu cho con số này nghe hơi khó tin cho một chuẩn cổng sạc xuất hiện chưa lâu). Nhưng ở mặt khác, chỉ riêng trong năm 2020 cũng như chỉ riêng mẫu xe bán chạy nhất là Model 3, Tesla đang thành công với việc làm kẻ điều khiển thị trường, khi đã bán được một lượng xe lớn, cũng như xã hội cũng có sự liên tưởng chặt chẽ giữa xe điện với Tesla (giống như cách người Mỹ dùng từ Kleenex để nói về giấy ăn, nói đến băng dán vết thương thì liên tưởng đến Band Aid, hay như việc ở Việt Nam nhiều người gọi miếng băng này là Urgo). Vì vậy, việc sử dụng cổng sạc Supercharger của Tesla làm chuẩn chung cũng hoàn toàn có lý.

Việt Long

Theo CSAT

Nguồn tin: https://news.otofun.net/cuoc-chien-gianh-quyen-kiem-soat-chuan-sac-cho-o-to-dien-phan-1-21710.html