Logo

You are here

Tản mạn về túi khí

VinFast Fadil bung túi khí sau khi tông vào vòng xuyến tại Thủ Đức Triệu hồi gần 2.500 xe Nissan Navara vì lỗi túi khí

Túi khí xe, Tây nó cũng không gọi là nổ. Mà thường dùng từ deploy, tạm dịch là bung, còn explode – nổ dùng cho trường hợp Takata nói bên dưới. Tuy nhiên cơ chế vận hành của túi khí hệt như một quả bom. Khi có va chạm, cảm biến kích nổ túi khí. Cảm biến này không phải cảm biến va chạm, mà là cảm biến gia tốc (accelerometer), nhằm đo sự thay đổi đột ngột về tốc độ.

Thay đổi đột ngột là như thế nào? Khi bạn lao xe với tốc độ 100km/h, đạp phanh hết cỡ thì xe vẫn cứ kéo lê cỡ 4-7 chục mét mới dừng lại. Còn khi phi thẳng đầu xe vào tường/cây/đuôi xe khác, mới gọi là thay đổi đột ngột.

Tản mạn về túi khí
Tại sao túi khí không chịu nổ trong những vụ tai nạn nghiêm trọng?

Tại sao có nhiều vụ va chạm, túi khí vẫn không bung? Dễ thôi, do tốc độ chưa đủ. Đa số xe, va chạm ở tốc độ khoảng trên 15km/h trở lên ECU của xe nó mới cho nổ túi khí. Một số khác, ở tốc độ cỡ 20km/h. Vì rằng các nhà sản xuất tin tưởng khi xe chạy long nhong dạo phố, chỉ cần thắt đai an toàn là đủ… an toàn.

Lý do khác: túi khí lỗi. Lỗi này thì đến từ nhiều nguyên nhân. Cảm biến kém. Các chi tiết điện bị hỏng. Hay như khủng hoảng túi khí Takata, mà NHTSA gọi là "Vụ thu hồi lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử", lâu ngày khí trong túi biến chất, khi bung ra có thể gây nguy hiểm.

Đến đây lại nảy sinh câu hỏi: Lúc xe dừng đột ngột, tức là đã va chạm xong, túi khí có kịp bung không? Theo các nhà sản xuất, túi khí có khoảng đâu đó 15 ms (phần nghìn giây) để bung ra làm tấm cản trước khi vật thể người bay đến chạm vào một vật thể nào đó.

Tản mạn về túi khí
Vụ tai nạn mới nhất của Toyota Camry, xe nát đầu nhưng túi khí không bung

Muốn đảm bảo hiệu quả, túi khí sẽ cần bung ra với tốc độ cỡ 200km/h (mỗi vị trí trên xe, túi khí lại bung một kiểu, một tốc độ khác). Ở tốc độ đó, dù túi khí chỉ là cái túi mềm, nếu bị nó đập vào người, có lẽ cũng ngang với ăn cú đấm của Mike Tyson. Vào mặt thì nhẹ là gãy mũi, nặng gãy cổ. Vào ngực có thể rạn xương.

Nhưng đến đây lại có câu hỏi: Túi khí nguy hiểm thế thì có cần không? Đương nhiên là vẫn cần. Túi khí được gọi là SRS – Supplemental Restraint System, đại ý là hệ thống hỗ trợ. Có nghĩa là nó bổ trợ rất tốt khi dùng kèm với các hệ thống khác, nhất là đai an toàn. Nhưng không có nghĩa là phải có dây nó mới hiệu quả (nghe giống thực phẩm chức năng, không phải thuốc).

Tản mạn về túi khí
Túi khi không bung khi xe va chạm mạnh

Ví dụ, khi xe đâm vào đuôi xe khác, không thắt dây, không túi khí. Lúc đó chiếc xe dừng lại, còn bạn sẽ tiếp tục chuyển động về phía trước, hay nói là bay cho nhanh. Nếu không có túi khí, cả cây thịt là bạn sẽ như một quả đại bác công phá vào vô-lăng, táp-lô, kính xe hay bay xuyên ra ngoài. Nếu túi khí nổ, bạn sẽ ăn một cú đấm trực diện bằng tay trái của Tyson (vốn thuận tay phải), giảm tốc, rồi mới va vào các chướng ngại vật vừa kể. Giữa hai trường hợp, bạn may mắn nếu có thể chọn cho mình cái đỡ xấu hơn.

Tương tự túi khí, dây an toàn cũng là thiết bị nguy hiểm. Một người bạn tôi, ở Quảng Ninh, trong cú bay bán tải qua dải phân cách đâm cột bê tông vài năm trước, minh chứng điều đó. Chỉ vì cẩn thận thắt dây an toàn mà anh phải trả giá đau đớn. Sau cú va chạm anh bị dây xiết tím người, rạn xương ngực, đau ê ẩm chữa mấy tháng ròng.

Anh bảo, nếu không thắt dây an toàn, có khi giờ được mồ yên mả đẹp. Thêm nữa, anh kể còn không kịp cảm nhận túi khí có nổ không, chỉ khi xong thấy có bụi trên người. Dây an toàn đã giữ anh không cho va chạm ngay cả với cái túi khí. Thế chứ lại. Nhiều ông sẽ bảo, biết thế túi khí không nổ có khi hay, đỡ tiền.

À thêm tí nữa, nhiều xe giờ hiện đại, có cảm biến, nếu không thắt dây an toàn, túi khí sẽ nổ làm hai giai đoạn, giảm thiểu thiệt hại cho hành khách. Nhưng nói gì nói, nó vẫn phải nổ thôi.

Nguồn: OFer Le Thanh

Theo CSAT



Tin liên quan

Nguồn tin: https://news.otofun.net/tan-man-ve-tui-khi-21061.html