You are here
Tibet - Kailash mùa thu 2016 [P1]
Em biết đến Tây tạng từ khá lâu nhưng chưa thật sự có cảm hứng tìm hiểu về vùng đất này. Mãi đến tận năm ngoái, khi tìm hiểu thông tin cho chuyến đi Cửu Trại Câu của mình, em có đọc được bài viết “Nhật ký hành trình Trung Quốc – Tây Tạng bằng xe gắn máy” của HDD82. Tuy rằng thực chất anh HDD82 chỉ mới đi xe máy dọc vùng Đông Tạng (Kham Tibet) nhưng chính những dòng chia sẻ về chuyến đi của anh đã khơi gợi sự hứng thú về Tây Tạng trong em, khiến em lục tung hết các diễn đàn và đọc ngấu nghiến hết tất cả các bài viết về Tây Tạng, rồi quyết tâm nhất định sẽ đi Tây Tạng trong năm 2016.
Theo đúng như kế hoạch bàn bạc với thằng bạn thân (mà cuối cùng lại không đi được với em), ra tết 2016 em bắt đầu liên hệ với các land tour bên Tây Tạng để xin báo giá về chuyến đi. Ban đầu, em nghĩ chắc chắn em sẽ phải đi Tây Tạng 2 lần, lần đầu đi những địa danh quen thuộc còn lần 2 sẽ hành hương đến núi thiêng Kailash. Nhưng rất may mắn sau 1 lần nói chuyện với 1 anh bạn đã từng đi Tibet, anh đã tư vấn giúp em về lịch trình, bớt đi những tu viện theo anh là không quan trọng, và cuối cùng em và bên tour đã lên được 1 lịch trình tour cho 13 ngày trên đất Tạng như sau:
Ngày 1: Hà Nội – Thành Đô
Ngày 2: Thành Đô – Lhasa. Chiều tham quan Jongkhang (Đại chiêu tự) và Tu viện Sera
Ngày 3: Tham quan cung điện Potala, tu viện Norbu Lingka và tu viện Deprung
Ngày 4: Di chuyển từ Lhasa đến Shigatse, tham quan hồ Yamdrok và Karola Glacier
Ngày 5: Lhasa – EBC, ngủ đêm tại lều
Ngày 6: EBC – Saga
Ngày 7: Saga – Darchen. Chuẩn bị cho Kora vòng quanh Kailash
Ngày 8: Trek từ Darchen đến Drapuk
Ngày 9: Trek từ Drapuk đến Tsutrul Puk
Ngày 10: Trek từ Tsutrul Puk đến Darchen. Di chuyển đến hồ Manasarovar, ngủ đêm tại guesthouse ven hồ
Ngày 11: Di chuyển về Saga
Ngày 12: Di chuyển về Shigatse. Thăm tu viện Tashi Lunpo của Ban Thiền Lạt Ma
Ngày 13: Shigatse – Lhasa
Ngày 14: Lhasa – Thành Đô
Ngày 15: Thành Đô – Hà Nội
Nhờ chia sẻ về chuyến đi Tây Tạng của bác Xebo mà em biết đến Road To Tibet. Sau khi email qua lại, bên Road to Tibet báo giá tốt nhất, cộng với những lời feedback tốt của các bác trên OTOFUN, chả còn lý do gì mà em không chọn công ty này cả. Đã vậy đến thời điểm tháng 7/2016, khi chính quyền Tây Tạng tăng mức phí vận chuyển, bên RTT vẫn giữ nguyên mức giá ban đầu offer cho em làm em cảm động dạt dào. Sau 1 thời gian dài hô hào quảng cáo cả trên facebook lẫn các diễn đàn, đoàn em cũng tìm được 9 thành viên 4 trai 5 nữ và chuẩn bị lên đường. Thực ra ban đầu cả đoàn cứ mong kiếm được thêm 1 nam nữa cho đủ 10 người, tiền tour cũng giảm đi đáng kể, nhưng chả kiếm được ai. Đến cái lúc tiến hành làm permit rồi thì lại bao nhiêu anh trai tha thiết xin vào mà em lực bất tòng tâm. Nhưng âu cũng là cái may mắn, vì sau khi đến nơi lên xe thì thấy đoàn em 9 người ngồi vừa xinh chiếc xe của đoàn, nếu thêm 1 người nữa thì không biết ngồi đâu luôn.
Đây là hình ảnh đoàn chúng em:
Chiếc xe chở chúng em rong ruổi suốt 13 ngày ở đất Tạng đây ạ
Từ trước lúc đi, đoàn đã thống nhất rằng sẽ đặt khách sạn ở Thành đô và quay lại sân bay vào sáng sớm ngày hôm sau để bay chuyến sớm đến Lhasa. Tuy nhiên, gần sát ngày đi, sau khi viết mail cho bên hostel về dịch vụ airport pick up không nhận được phản hồi (nói đúng hơn là phản hồi quá muộn) và sau khi tham khảo giá pick up của 1 số bên khác, đoàn lại lo lắng về việc đặt xe sáng ngày hôm sau. Do sẽ phải dậy từ 3:30 sáng, 1 số thành viên trong đoàn lo lắng về giấc ngủ và vấn đề trễ giờ nên đã quyết định sẽ ngủ lại sân bay và sẽ gửi đồ lại sân bay để vào thành phố chơi tối hôm đó. Sau khi không tìm được phương án trung hoà cả 2 (khách sạn gần sân bay rất đắt) đoàn thống nhất phương án 3 người sẽ ngủ lại sân bay còn 6 người còn lại sẽ đi taxi về khách sạn.
Chủ nhật ngày 28/8, cả đoàn hẹn nhau 10 giờ ở sân bay Nội Bài. Cô Thanh từ Sài Gòn cũng đã bay ra Hà Nội từ chiều ngày hôm trước để đi cùng đoàn. Đến sân bay hầu như ai cũng phát hiện mình quên 1 số đồ gì đó nhưng không sao, có gì dùng nấy, lá lành đùm lá rách vậy. Chuyến đi xuất phát thuận lợi, 3 giờ 15 đoàn có mặt tại sân bay Shangliu Thành đô. Thủ tục nhập cảnh cũng như lấy hành lý khá nhanh. Cũng như lần trước khi đến Thành đô vào năm 2015, hộ chiếu của em lại được chuyển sang quầy trong vì 1 vấn đề gì đó. Lần này bớt hoang mang hơn lần trước sau khi nhận lại hộ chiếu em hỏi luôn thế rốt cuộc là có vấn đề gì. Hoá ra là có ai đó bị truy nã hay sao sao đó trùng tên với em.
Sân bay Thành Đô rộng, nhưng khu vực arrival và khu vực chờ của khách lại không trải thảm nên rất khó để ngủ lại. Vì vậy cả đoàn quyết định gửi lại đồ ở sân bay để đi lại vào thành phố cho tiện. Sau khi loay hoay tìm dịch vụ, cân nhắc xem để lại túi nào mang đi vali nào, đoàn quyết định để lại 13 túi + vali tại sân bay. Em rất hùng hổ tự tin ra nói chuyện với bạn nhân viên. Sau 1 hồi khoa tay múa chân, 2 bên cũng hiểu được nhau thì bạn nhân viên chỉ vào cái bảng thông báo đặt trên quầy bảo là bên đấy chỉ mở cửa từ 5:30 sáng đến 11h đêm. Lúc í bọn em mới ngã ngửa ra vì sáng hôm sau 6:30 là bọn em bay rồi, tức là phải lấy hành lý trước 5:30 mới kịp. Thế là đành phải tiu nghỉu lếch thếch xách đồ ra ngoài bắt xe về thành phố, mất toi gần 1 tiếng loay hoay ở sân bay.
Dịch vụ cò xe ở sân bay Thành Đô khá phát triển, bọn em vừa ra khỏi cửa đã được 2 anh chị tiếp cận giới thiệu dịch vụ, cuối cùng 9 người leo lên 2 xe oto có cốp rất rộng, chở hết được đống đồ của bọn em với giá 100 tệ 1 xe.
Ở Thành đô bọn em ở Dream international Youth Hostel, ngay đối diện đền Vũ hầu và phố đi bộ Cẩm Lý với giá 45 tệ/giường/đêm. Không gian Hostel khá sạch sẽ, nhân viên cũng rất helpful. Tuy nhiên không hiểu sao ở đây toàn thấy dân Tàu, không thấy Tây balo hay Ta balo mấy.
Bữa ăn đầu tiên ở Thành Đô đương nhiên phải là món ăn trứ danh của vùng này: lẩu Tứ xuyên.
Đây là quán em ăn từ năm ngoái, ấn tượng quá nên năm nay dắt mọi người đến. Bác nào có dịp đến Thành Đô em recommend quán này nhiệt tình ạ. Các bác cứ giơ cái ảnh quán ra là taxi nó biết đưa ra quán liền.
Sau khi ăn xong thì đi thăm quan phố đi bộ Cẩm Lý
Sáng hôm sau, 6 giờ 30 máy bay của Sichuan airlines cất cánh đưa đoàn em đến với vùng đất Tây Tạng. Thủ tục kiểm tra an ninh và permit ở sân bay khá chặt chẽ. 8 giờ 30 phút máy bay hạ cánh, thủ tục lấy hành lý cũng khá nhanh gọn, đến hơn 9h đoàn em đã gặp được Sonam và Kedruk (lái xe), 2 người sẽ đồng hành cùng đoàn trong suốt 13 ngày ở Tây Tạng. Như những đoàn trước đó, Sonam đeo cho mỗi người trong đoàn 1 chiếc khăn trắng Tạng để cầu may mắn.
Một số khung cảnh dọc đường đi. Con đường nối sân bay với thủ phủ Lhasa này được hoàn thành vào năm 2012, rút ngắn khoảng cách xuống chỉ còn khoảng 70km (nếu em nhớ không nhầm thì đường cũ là hơn 90km).
Cung Potala trên đường về khách sạn:
Bọn em ở Khách sạn Ramakhapo nằm ngay sát khu phố Bakhor, kiến trúc khách sạn đặc trưng của Tây Tạng. Rất tiếc là mấy ngày đầu em lại quên không chụp nhiều ảnh ở khách sạn vì cứ đinh ninh là hôm về sẽ quay lại đây. Ai ngờ đến hôm về thì khách sạn lại có việc đóng cửa nên đoàn phải ở khách sạn khác. Điều em thích nhất là tầng 1 của khách sạn, không gian rất ấm cúng, phù hợp cho mọi người ngồi quây quần nói chuyện ăn uống:
Quán ăn Makye ame
Sau khi nghỉ ngơi ở khách sạn, cả đoàn đi dạo phố Bakhor tìm hàng ăn trưa và được giới thiệu đến quán ăn này nhưng rất tiếc lúc ấy khách quá đông, không đợi được nên cả đoàn kéo về khách sạn ăn mỳ tôm.
Đến hôm gần về lại Lhasa bọn em có đọc được thông tin mới biết quán ăn này chính là quán rượu gắn liền với Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 và người tình của mình (Mã Cát A Mễ). Em copy lại cho các bác tham khảo:
Thương Ương Gia Thố (hay Tsangyang Gyatso, phiên âm tiếng Tạng: tshang-dbyangs rgya-mtsho) (1683-1706) là vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6 của Tây Tạng. Ông là người tộc Monpa, sinh năm Khang Hi thứ 22 trong một gia đình nông dân dưới chân dãy Narayan, vùng Môn Ngung, quận Đạt Vượng, Nam Tây Tạng. Gia đình nhiều đời là tín đồ Ninh-mã phái thuộc Phật giáo Tây Tạng. Cha là Trát Hỉ Đan Tăng, mẹ là Tài Vượng Lạp Mạt. Mười bốn tuổi quy y, tiến nhập cung điện Potala trở thành Đạt Lai Lạt Ma, người đứng đầu Cách-lỗ phái.
Giáo quy của Ninh-mã phái không cấm các thầy tu cưới vợ, sinh con. Mà Cách-lỗ phái (Hoàng giáo) của Đạt Lai Lạt Ma thì nghiêm cấm tăng lữ kết hôn lập gia đình, gần gũi nữ giới. Đối với những quy tắc thanh quy này Thương Ương Gia Thố khó có thể tiếp nhận được. Cuộc sống 14 năm ở nông thôn khiến cho ông vừa có vô số trải nghiệm trong cuộc sống trần tục, cũng khiến cho ông hướng về tình yêu một cách tự nhiên, kích thích cảm hứng thơ ca trong ông. Ông không những không trói buộc những tư tưởng, tình cảm, hành động của mình bằng giáo quy mà còn dựa vào tư tưởng độc lập của bản thân viết nên rất nhiều bản “Tình ca” du dương, uyển chuyển.
Tương truyền trước khi được chọn làm Đạt Lai Lạt Ma ông từng có một ý trung nhân thông minh xinh đẹp ở quê. Hai người cả ngày bầu bạn cùng nhau, trồng trọt chăn nuôi, thanh mai trúc mã, tình cảm vô cùng sâu đậm. Sau khi Thương Ương Gia Thố tiến nhập cung điện Potala, ông chán ghét cuộc sống nhàm chán cứng nhắc của người đứng đầu Hoàng giáo trong thâm cung, luôn tưởng nhớ những sinh hoạt phong phú trong dân gian, vương vấn ý trung nhân xinh đẹp. Vào ban đêm ông thường cải trang xuất cung, gặp gỡ tình nhân, theo đuổi cuộc sống tình yêu lãng mạn. Vào một ngày tuyết lớn, Thiết Bổng Lạt Ma buổi sáng ngủ dậy, thấy có dấu chân người trên tuyết từ 1 quán rượu trong thành Lhasa, bèn lần tìm theo dấu chân, cuối cùng thấy dấu chân biến mất trong tẩm cung của Thương Ương Gia Thố. Sau đó Thiết Bổng Lạt Ma trừng phạt nghiêm khắc người Lạt ma hầu cận bên cạnh Thương Ương Gia Thố, còn cho người xử tử ý trung nhân của ông, giam lỏng Thương Ương Gia Thố.
Lúc này ở Tây Tạng, cục diện chính trị rối ren. Năm 1701 (năm kim xà lịch Tây Tạng) chắt trai của Cố Thủy Hãn (Gushri Khan) là Lạp Tằng Hãn (Lha-bzang Khan) kế vị, mâu thuẫn với Tang Kết Gia Thố (Đệ tử thân tín của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5– Người tìm được Thương Ương Gia Thổ) càng ngày càng gay gắt. Tang Kết Gia Thố mua chuộc người hầu trong Hãn phủ, hạ độc trong thức ăn của Lạp Tằng Hãn, bị Lạp Tằng Hãn phát hiện, hai bên bùng nổ chiến tranh, quân Tây Tạng bại trận, Tang Kết Gia Thố bị xử tử. Sau khi biến cố phát sinh, Lạp Tằng Hãn bẩm báo cho hoàng đế Khang Hi chuyện “mưu phản” của Tang Kết Gia Thố, cũng bẩm tấu Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Thương Ương Gia Thố không tuân thủ thanh quy, là Đạt Lai Lạt Ma giả mạo, xin được phế bỏ. Khang Hi chuẩn tấu, quyết định áp giải Thương Ương Gia Thố đi Bắc Kinh. Năm 1706, trên đường áp giải, đến gần bên hồ Thanh Hải thì Thương Ương Gia Thố mất tích, về tung tích của ông thì có vô số lời đồn đãi. Có lời đồn rằng, ông vứt bỏ danh vị, quyết tâm chạy trốn, chu du Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ rồi qua đời ở Alashan (phía Tây khu tự trị nội Mông Cổ – Trung Quốc), hưởng thọ 64 tuổi.
Hiện nay quán rượu Makye a me (Mã Cát A Mễ) vẫn còn nhưng tầng dưới là cửa hàng may đo quần áo, tầng 2-3 là quán ăn Makye ame. Khách đến quán rất đông, chắc 1 phần vì danh tiếng của quán. Cả 2 lần bọn em đến quán ăn này đều không ăn được, chắc không có duyên. Lần đầu đến vào giờ cao điểm, lần thứ 2 đến thì sớm quá quán ăn 11:30 mới mở cửa, mà 12h hơn là bọn em ra sân bay rồi nên cũng đành lại thôi. Nếu còn được trở lại 1 lần nữa chắc chắn phải ăn thử.
Do đoàn em chỉ ở Lhasa 2 ngày nên lịch trình khá gấp, buổi chiều sau khi nghỉ ngơi và ăn trưa xong, cả đoàn đi bộ ra chùa Jokhang Temple (Đại chiêu tự) mà như lời Sonam thì là “Ngôi chùa linh thiêng nhất của Tây Tạng”. Người dân Tây Tạng đều có ước mong hành hương về Lhasa, đi kora xung quanh chùa và thực hiện nghi thức “Ngũ thể nhập địa” trước cửa chùa.
Đại chiêu tự (Jokhang tempel, 大昭寺) là ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông Tạng truyền nằm trong trung tâm phố cổ Lhasa, nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO từ năm 2000 thuộc Lhasa, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Barkhor. Chùa nằm trên đường Bát Giác Nhai – lấy Đại Chiêu tự làm trung tâm.
Đối với người Tây Tạng đó là ngôi chùa linh thiêng nhất nước và là nơi diễn ra ngày hội chùa Đại Chiêu lớn nhất của người Tạng. Chùa do vua Tùng Tán Cán Bố xây vào thế kỷ thứ 7 (năm 647) khi vương triều này hưng thịnh nhất.
Chùa thờ tượng Minh Cửu Đa Cát Phật, tức Phật Thích Ca Mâu Ni Bát Tuế Đẳng Thân do công chúa Văn Thành mang theo từ quê nhà khi gả cho vua Tùng Tán Cán Bố. Còn bức tượng do công chúa Xích Tôn-(Nepal) mang theo lúc về làm vợ Tùng Tán Cán Bố đã bị hủy trong thời kỳ cách mạng văn hóa.
Bức tượng này làm hoàn toàn bằng bạc, pho tượng được đúc ở tư thế ngồi, cao gần ba mét, nặng 1,5 tấn nên chùa còn gọi là chùa Phật Bạc và là ngôi chùa Phật Bạc lớn nhất Trung Quốc. Chùa còn thờ Tông Khách Ba, Địa Tạng Vương bồ tát, điện thờ Hộ pháp của phái Cách Lỗ. Hai con rồng uốn lượn trên hai cột thông thiên trước pho tượng phật tổ Thích-ca-mâu-ni được làm bằng bột giấy và bùn. Hai con rồng làm bằng đất, bên trong trống rỗng và không hề có một vết rạn nứt nào sau hơn bốn trăm năm thăng trầm lịch sử.
Hình ảnh của chùa:
Trên đỉnh chùa Jokhang (nơi du khách có thể chụp ảnh)
Góc view ra Cung điện Potala:
Trước cửa Jokhang, lúc nào cũng có rất nhiều người quỳ lậy theo nghi thức "ngũ thể nhập địa". Số lần quỳ lậy là tùy từng người nhưng thông thường bao giờ cũng là số lẻ
Ban ngày:
cả buổi tối:
Đoàn người xếp hàng vào điện Jokhang, những người đeo tạp dề xanh đứng bán nước/ trà cho khách trong lúc chờ đến lượt:
Sáng sớm và chiều tối là thời điểm có đông người đi Kora xung quanh Jokhang nhất. Đặc biệt vào buổi tối, rất dễ dàng để mọi người bắt gặp những người Tạng khá trẻ, ăn mặc khá hiện đại đi kora "tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa" quanh Jokhang. Sonam giải thích rằng ban ngày họ còn bận đi làm nên chỉ có buổi tối mới có thời gian thể hiện lòng thành kính với đức Phật. Thế mới thấy Phật giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế nào với người dân Tây Tạng:
Các vị Lạt ma cũng hành hương về Jokhang:
Hình ảnh đáng yêu nhất trong ngày, 1 em bé chắc chỉ tầm 3-4 tuổi được mẹ hướng dẫn "ngũ thể nhập địa":
Sốc độ cao
Điều lo lắng hàng đầu của những đoàn đến Tây Tạng chính là sốc độ cao (đặc biệt với những người sống ở vùng có độ cao thấp như Việt Nam). Về đến Hà Nội em check độ cao thấy có 20m so với mực nước biển thôi. Trong khi độ cao trung bình của những địa điểm trong chuyến đi Tây Tạng vào khoảng 4000m, có sự chênh lệch khá lớn. Nếu các bác tìm hiểm trên các diễn đàn, sẽ có rất nhiều chia sẻ của những người đi trước về đơn thuốc cho việc sốc độ cao, thậm chí có người không uống bất kì thuốc gì cũng không làm sao hết. Điều này chắc có thể giải thích do cơ địa của mỗi người khác nhau. Em cũng chia sẻ với mọi người về tình hình của đoàn em để mọi người tham khảo:
Trước hết phải nói qua về thành phần đoàn. Như đã đề cập ở ban đầu, đoàn em có 9 người (4 nam – 5 nữ). Phải nói 1 điều là đoàn em khá trẻ, ngoại trừ cô Thanh sinh năm 1963 và anh Bình sinh năm 1973 thì 7 người còn lại đều là 8x. Nên có thể nói rằng về mặt bằng chung thì sức khỏe cả đoàn đều khá tốt.
Trước lúc đi khoảng 2 tuần, hầu như mọi người trong đoàn đều bắt đầu uống Hoạt Huyết Dưỡng Não. Người thì uống loại của Traphaco, người thì uống loại của Úc của Nhật. Tuy cũng có 1 số người đi trước nói rằng Hoạt Huyết Dưỡng Não không có tác dụng lắm cho việc chống sốc độ cao, nhưng kệ, dù gì cũng là thuốc bổ, không chống sốc được thì vẫn tốt cho đầu óc. Thế nên bọn em vẫn uống chăm chỉ nhiệt tình. Thậm chí trong suốt 13 ngày của chuyến đi, một số thành viên trong đoàn vẫn duy trì uống đều đặn.
Thuốc chống sốc độ cao bọn em tham khảo được 2 loại thuốc chính như sau:
1. Acetazolamid (Diamox) 250mg X 15 viên:
Uống ngày 2 viên chia 2 lần sáng chiều, bắt đầu uống trước khi đi đến vùng cao ít nhất 48h, thông thường uống trong 3 ngày, nếu triệu chứng AMS xuất hiện nhiều như đau đầu, khó thở thì tiếp tục uống đến 5 ngày. Mục đích thuốc này có tác dụng phụ gây toan chuyển hóa, kích thích thân não tăng thông khí và gây thở nhanh kể cả lúc ngủ nên có thể bù trừ 1 phần tình trạng thiếu oxy trong lúc ngủ gây hiện tượng khó ngủ. Lưu ý triệu chứng phụ là bị tê tay sau 2 ngày uống, sau đó sẽ hết sau 1 ngày. Và thuốc này có thể tìm mua dễ dàng ở các hiệu thuốc nhưng có vẻ có nhiều loại và nhiều mức giá khác nhau. Em mua ở hiệu thuốc trước cổng viện Việt Đức, vỉ 20v, 8500đ/viên
2. Dexamethasone 4mg X 15viên:
Uống ngày 3 viên chia 3 lần, chỉ uống khi bắt đầu có triệu chứng AMS nặng như đau đầu, mất ngủ hoàn toàn. Thuốc có tác dụng chống phù não nên giảm bớt cơn đau đầu. Tác dụng phụ nếu dùng kéo dàihơn 5 ngày là suy tuyến thượng thận cấp, phù nhẹ mặt thoáng qua và hết khi ngừng thuốc. Nên hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi uống. Đơn thuốc trên mạng là như vậy, tuy nhiên thực tế đi mua thuốc thì tất cả bọn em chỉ mua được loại 0.5mg chứ không hề có loại 4mg. Hiệu thuốc cũng giải thích rằng mỗi ngày chỉ nên uống không quá 2mg vì nếu uống nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến dạ dày.
Trái ngược với việc thống nhất khi uống Hoạt huyết dưỡng não, đến 2 loại thuốc này đoàn em chia ra làm 2 trường phái: Vợ chồng em, anh Bình, chị Trang và anh Tùng đều quyết định uống Diamox (loại số 1) trước khi di chuyển đến Lhasa 2 ngày (tức là 1 ngày trước hành trình). Sau khi uống thì có em và chị Trang là xuất hiện triệu chứng phụ là tê tay nhưng không ảnh hưởng nhiều. Nhóm còn lại là cô Thanh, anh Vũ, chị Giang và chị Linh quyết định không uống thuốc mà để cơ thể tự thích nghi với độ cao.
Đến Lhasa ở độ cao 3600m, khi mới đến sân bay tất cả mọi người đều rất vui vẻ, khỏe mạnh, chưa xuất hiện dấu hiệu gì của việc sốc độ cao. Thậm chí chị Linh còn nói đùa là với tình hình sức khỏe như này có khi chị đi Kora dù chị xác định ngay từ đầu là sẽ không đi kora mà chỉ chiêm bái Ngân Sơn từ xa thôi. Tuy nhiên, sau quãng đường 1 tiếng từ sân bay về đến khách sạn, những dấu hiệu sốc độ cao đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Chị Linh và chị Giang bắt đầu đau đầu mệt mỏi khi về đến khách sạn. Anh Vũ đến chiều tối cũng bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi. Như vậy là trong số 4 người không uống thuốc, chỉ có duy nhất cô Thanh do đã tập khí công rất nhiều năm nên không bị ảnh hưởng gì, còn 3 người còn lại đều bắt đầu sốc độ cao ở các mức độ khác nhau. Woeser (Giám đốc Road to Tibet) và Sonam đều nhắc đi nhắc lại với đoàn em rằng phải uống thật nhiều nước, đấy là phương thức hạn chế sốc độ cao hữu hiệu nhất. Công nhận chưa bao giờ bọn em uống nhiều nước như chuyến đi này, 1 đêm phải dậy đi vệ sinh đến 3-4 lần.
Bệnh sốc độ cao này thường nghiêm trọng về tối, đến tối hôm đó anh Vũ quyết định uống ngay 2 viên của thuốc số 2 (Dexamethasone). Sáng hôm sau anh đã khỏe mạnh lại bình thường. Chị Giang và chị Linh vẫn chưa muốn uống thuốc. Đến tối ngày thứ 2 ở Lhasa, đoàn có nhờ ông chủ khách sạn đưa đi mua Hồng Cảnh Thiên (thuốc của người Tạng mà nghe bảo cũng có tác dụng chống sốc độ cao). Tuy nhiên thuốc cũng không có tác dụng gì nhiều.
Sang đến đoàn uống thuốc, ngày đầu tiên ở Lhasa theo đúng đơn thì sẽ là ngày cuối bọn em uống thuốc. Nhưng vợ chồng em, anh Bình và anh Tùng vẫn quyết định uống thêm 2 ngày nữa cho chắc cú. Tức là chúng em sẽ ngừng thuốc vào ngày thứ 5 của chuyến đi, ngày di chuyển từ Shigatse lên EBC ở độ cao 5200m. Chị Trang quyết định ngừng thuốc luôn sau khi uống đủ 3 ngày.
Đến ngày thứ 3 trên đất Tạng, đoàn xuất phát đi Shigatse (độ cao 3900m). Chị Linh và chị Giang vẫn còn rất mệt mỏi, hầu như dọc đường 2 chị xuống khỏi xe để ngắm cảnh rất ít. Đến tối hôm đấy Sonam rất lo lắng hỏi em vì thấy tình trạng của chị Linh. Sonam cảnh báo rằng nếu tình trạng của chị không khá hơn thì không thể để chị đi tiếp được, vì lên đến độ cao 5200m sẽ gây sức ép lên tim, nếu có vấn đề gì sẽ rất khó xử lý. Đoàn em cũng đồng ý với Sonam rằng nếu đến sáng hôm sau tình trạng không khá hơn thì sẽ phải liên hệ với Woeser để đưa chị về lại Lhasa. Đấy là điều cả đoàn ít mong muốn nhất, vì chị Linh lúc nào cũng bảo nhìn thấy Everest là ước mơ từ năm 12 tuổi của chị. May mắn làm sao tối hôm đó 2 chị quyết định uống 2 viên Dexamethasone đầu tiên. Sáng hôm sau chị Linh đã tỉnh táo hơn và có thể tiếp tục hành trình. Tuy rằng khi lên đến độ cao 5200m chị vẫn mệt mỏi, nhưng có sự trợ giúp của thuốc mà chị vẫn có thể tiếp tục đồng hành với đoàn. Phải đến tận ngày thứ 10 của hành trình, tức là sau khi đoàn em hoàn thành Kora và bắt đầu di chuyển về Lhasa 2 chị mới hoàn toàn thích nghi với độ cao, tận hưởng hoàn toàn cảnh sắc trên đường đi.
Như vậy tổng kết lại về tình trạng sức khỏe của đoàn, 5 thành viên uống thuốc của đoàn đều khá khỏe mạnh, không có dấu hiệu sốc độ cao và hoàn thành trọn vẹn kora. 3 thành viên không uống thuốc ngoại trừ cô Thanh đều bị sốc độ cao và ít nhiều có ảnh hưởng đến chuyến đi. Rút kinh nghiệm từ đoàn em, em cũng khuyên mọi người nếu chuẩn bị đi Tibet trong tương lai thì nên uống thuốc, trừ phi bác đã từng đi Tibet và không bị sốc độ cao. Còn lại việc không uống thuốc trước khi đi Tibet lần đầu tiên khá rủi ro, 50-50 là mình sẽ bị shock độ cao hoặc không. Phòng bao giờ cũng hơn chống mà.
Một lưu ý khác cũng rất quan trọng là bình xịt mũi nước biển sâu. Khi lên đến Lhasa là mọi người cần phải sử dụng luôn, 30’-1 tiếng xịt 1 lần hoặc xịt mỗi khi cảm thấy mũi khô hoặc khó thở. Em chủ quan không xịt ngay, đến 2 ngày sau mũi đau và xì mũi ra máu. May đã kịp khắc phục ngay nên chưa đến mức chảy máu cam.
Sau khi tham quan xong chùa Jongkhang, đoàn em di chuyển đến tu viện Sera. Tu viện Sera là 1 trong 3 tu viện tiêu biểu của dòng Cách Lỗ (Gelugpa Sect) ở Lhasa, và là 1 trong 6 tu viện lớn của Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat Sect) trên toàn Tây Tạng. Người có công đầu trong việc kiến lập viện là đại sư Thích Ca Dã Hiệp (Shakya Yeshe), học trò của đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa). Nổi tiếng với các buổi tranh biện kinh pháp của các tăng chúng, tu viện Sera là điểm đến không thể thiếu của du khách tham quan. Buổi tranh biện thường bắt đầu từ 3 giờ chiều nên đoàn em phải thăm Jongkhang khá vội vàng để kịp đi Sera. Khi đến gần vườn tranh biện, em đã nghe thấy tiếng người nói ầm ĩ và tiếng những tiếng vỗ tay rất to. Du khách quây kín xung quanh khiến em cảm thấy buổi tranh biện mang nhiều tính chất biểu diễn cho du khách xem hơn là buổi tranh luận về triết lý phật giáo thật sự. Và nó cũng là 1 trải nghiệm khá thú vị.
Đoàn chụp ảnh kỉ niệm trước cổng tu viện:
Dọc con đường đi đến vườn tranh biện (Debating courtyard)
Vườn tranh biện: Các vị lạt ma trẻ tranh luận khá sôi nổi, có đôi lúc em còn nhìn thấy vẻ cau có khó chịu của 1 số vị lạt ma khi bị ép hỏi dồn dập. Trong khi đó các vị lạt ma già hơn chỉ ngồi 1 góc yên lặng quan sát.
(Còn nữa)
Trên đây là những chia sẻ của thành viên hienba164, diễn đàn OTOFUN. BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.
Theo CSAT
Tin liên quan
Hàng ngàn Ofer "Chung tay - chia sẻ cùng miền Trung ruột thịt"
09:40 | 03/11/2020Sinh nhật OF 14: Cộng đồng OTOFUN đã cùng nhau "vượt sóng" như thế nào?
10:08 | 28/07/2020Công bố kết quả chương trình bốc thăm “X3 May Mắn” khi mua xe Nissan X-trail
15:37 | 24/01/2017Một tháng 43 vụ tai nạn tàu hỏa: Làm ngay gờ giảm tốc tại các đường ngang
14:09 | 07/02/2017Hà Nội: Trước ngày 15/2, báo cáo xử lý các nhà xe bỏ bến chạy dù
15:04 | 13/02/2017
Nguồn tin: https://news.otofun.net/tibet-kailash-mua-thu-2016-p1-7822.html
Tin liên quan
Hieunam: 0912141184
Email: wagonclub0110@yahoo.com
Địa chỉ : Mai Động - Hoàng Mai - Hà Nội
TK Vietcombank: 0021002269891
Nguyen Duc Hieu