You are here
Tổng hợp về các hệ thống an toàn chủ động mới trên ô tô (Phần 2)
Tổng hợp về các hệ thống an toàn chủ động trên ô tô (Phần 1) Hyundai Accent 2020 sẽ trang bị động cơ hoàn toàn mới |
Với việc các hệ thống an toàn trên xe ngày càng được tích hợp nhiều trên các mẫu xe mới ngày nay, người mua xe sẽ dễ cảm thấy bối rối giữa rất nhiều công nghệ đi kèm theo xe. Sự hiểu biết về các hệ thống này sẽ giúp người mua xe quyết định sự đáng tiền khi chọn mua các gói tùy chọn đắt tiền, và hơn thế nữa, tránh được việc bị người bán xe thu hút mua những gói trang bị không đáng tiền
Với những người đã mua xe, việc hiểu được các chức năng này có tác dụng gì sẽ giải thích cho những tình huống các hệ thống này không hoạt động hay người lái nên làm gì trong tình huống các hệ thống này được kích hoạt.
Bài viết này sẽ tổng hợp tất cả các tính năng an toàn chủ động hiện hành, cùng với lời giải thích cho cách thức hoạt động của các hệ thống này.
Hệ thống cảnh báo lệch làn (Lane-Departure Warning):
Hệ thống này thường là một hệ thống dựa trên các mô-đun camera đặt ở phía trước xe để quan sát vạch kẻ đường và cảnh báo người lái khi xe bắt đầu chuyển làn hay chèn vạch mà không sử dụng xi nhan.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (Lane-Keeping Assist):
Khác với hệ thống cảnh báo lệch làn, hệ thống hỗ trợ giữ làn đường không chỉ cảnh báo dựa trên các thông tin do mô-đun camera đặt trước cung cấp, mà còn chủ động hỗ trợ sửa lỗi bằng việc đánh lái nhẹ để giữ cho xe nằm trong làn. Người lái có thể cảm nhận được hệ thống hoạt động khi vô lăng di chuyển trong tay, mặc dù không hề có tác động từ phía người lái. Vì trực tiếp tác động sự điều khiển của người lái, phần đa các hệ thống này có đi kèm với cảnh báo bằng tiếng động để cảnh báo người lái, tránh việc gây bất ngờ khi xe tự đánh lái.
Công nghệ nhìn xuyên ban đêm (Night Vision):
Đây chưa phải là một hệ thống được áp dụng rộng rãi trên ô tô. Tuy vậy, một số hãng xe cao cấp như Audi, BMW, Cadillac và Mercedes-Benz đã bắt đầu cung cấp tùy chọn này cho một số mẫu xe. Sử dụng các camera hồng ngoại ở cản trước, hệ thống này sẽ ghi lại một bản đồ nhiệt và dựng thành các hình ảnh đen trắng dựa vào chênh lệch của các vùng nhiệt độ, qua đó cảnh báo người lái về người đi bộ, động vật hay các phương tiện khó quan sát thấy bằng mắt thường trong điều kiện ánh sáng thấp. Một màn hình, thường là màn hình giải trí trên xe, sẽ cung cấp hình ảnh sau xử lý của hệ thống. Ở một số chiếc xe mới hơn như S-Class mới của Mercedes-Benz, hình ảnh sẽ được chiếu trực tiếp trên mặt táp-lô. Tùy thuộc vào hệ thống, có những chiếc xe sẽ đưa ra cảnh báo kèm với hình ảnh cung cấp cho người lái khi có vật cản. Tuy vậy, công nghệ này còn chưa thực sự hoàn thiện nên việc sử dụng còn nhiều sai số.
Hệ thống cảm biến đỗ xe (Parking Sensors):
Cảm biến đỗ xe- hay còn gọi là cảm biến tiệm cận- giúp người lái đỗ xe bằng các đầu thu phát siêu âm để quan sát các vật cản xung quanh xe. Hệ thống sẽ cảnh báo người lái bằng các âm có nhịp độ để cảnh báo khoảng cách của chiếc xe với các vật cản quanh xe. Các cảm biến này thường được đặt ở cản trước và cản sau xe. Một số chiếc xe còn trang bị cảm biến ở hông xe đi kèm với camera 360 độ quanh xe.
Hệ thống nhận diện người đi bộ (Pedestrian Detection):
Với mục đích bảo vệ người đi bộ, rất nhiều chiếc xe hiện đại được trang bị hệ thống này. Sử dụng các mô-đun camera đặt trước, hệ thống sẽ liên tục quét người đi bộ hoặc người đi xe đạp sử dụng chung làn đường hoặc ở phía trước chiếc xe để cảnh báo người lái. Một số hệ thống hiện đại hơn như ở trên những chiếc xe Volvo, hệ thống này sẽ được kết hợp với hệ thống phanh tự động khẩn cấp (AEB) để phanh chiếc xe khi thấy chiếc xe đang ở quá gần người đi bộ hay người đi xe đạp
Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang (Rear Cross-Traffic Alert):
Sử dụng các cảm biến đỗ xe hay các cảm biến sóng âm phản xạ, hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang sẽ cảnh báo người lái về người đi bộ hay phương tiện nào đó đi cắt ngang qua xe khi xe đang lùi. Hệ thống này phát huy tác dụng nhất trong điều kiện đỗ xe trong các hầm đỗ xe nếu lái xe cắm đầu xe vào chỗ đỗ. Một số hệ thống hiện đại hơn còn trang bị phanh khẩn cấp (AEB) cho những trường hợp xe ở quá gần với vật cản đang đi tới từ phía sau.
Chế độ lái xe bán tự động (Semi-Autonomous Driving Mode):
Được biết đến rộng rãi nhất với hệ thống Autopilot của Tesla, hay với một số hệ thống ít người biết đến hơn như ProPilot Assist của Nissan, Super Cruise của Cadillac. Trái với suy nghĩ của nhiều người, hệ thống này không tự động điều khiển toàn bộ việc lái xe, mà chỉ hỗ trợ người lái nhiều hơn so với hệ thống ga tự động (Cruise Control). Ví dụ như hệ thống Autopilot của Tesla, chiếc xe có khả năng tự động căn giữa làn đường, chuyển làn tự động nhưng vẫn giữ nguyên tốc độ nhưng không hoàn toàn có khả năng tự lái trên những đường loại B hay đường đá dăm. Hệ thống này rất có ích trong việc phòng chống những tai nạn do người lái buồn ngủ; tuy vậy vẫn rất cần người lái kiểm soát phần lớn việc lái xe, tránh tai nạn do các sai số trong hệ thống.
Hệ thống nhận diện biển báo giao thông (Traffic-Sign Recognition):
Một hệ thống nữa hoạt động dựa vào các mô-đun camera, hệ thống này chủ động quan sát các biển báo ở trên đường như giới hạn tốc độ, biển báo dừng lại tại các giao lộ không có đèn tín hiệu. Sau đó, các biển báo này sẽ thường được hiển thị trên màn hình HUD nhưng cũng có thể hiển thị ở màn hình giải trí, cụm màn hình trung tâm. Ở một số hệ thống cao cấp, chiếc xe sẽ hiển thị vạch đỏ như vạch báo quá vòng tua ở đồng hồ công tơ mét để nhắc nhở người lái về tốc độ cho phép.
Nguồn tin: https://news.otofun.net/tong-hop-ve-cac-he-thong-an-toan-chu-dong-moi-tren-o-to-phan-2-17447.html
Tin liên quan
Hieunam: 0912141184
Email: wagonclub0110@yahoo.com
Địa chỉ : Mai Động - Hoàng Mai - Hà Nội
TK Vietcombank: 0021002269891
Nguyen Duc Hieu