You are here
Vespa GTS Super 300: Những trải nghiệm thực tế
Với chiều cao và kích thước thân xe khá đồ sộ, GTS 300 lập tức thể hiện nét nam tính khá rõ rệt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ kiểu dáng thiết kế và cách vận hành, không khó để nhận ra chiếc xe này được thương hiệu nước Ý hướng đến nhóm đối tượng khách hàng là nam giới. Sự quan tâm và trải nghiệm của cánh mày râu đối với chiếc xe này cũng chính bởi vậy mà trở nên hoàn toàn khác biệt so với những dòng xe còn lại của Vespa.
10 ngày trải nghiệm với tổng quãng đường di chuyển 500 km qua một loạt các dạng địa hình phức tạp từ đường từ nội thị, ngoại ô, quốc lộ tới đường đất nông thôn đã cho tôi những đánh giá thực tế và sát nhất với đặc tính của chiếc xe Vespa GTS Super 300.
Từ quan điểm của tôi, vốn không có chiếc xe nào được coi là hoàn hảo tuyệt đối, sự "hoàn hảo" chỉ đến từ cảm nhận riêng của từng người cầm lái. Chính bởi vậy, mỗi người sẽ có tiêu chí về sự hoàn hảo rất khác nhau, tựu chung lại, định nghĩa về một chiếc xe "hoàn hảo" là khi người chủ xe cảm thấy bị hấp dẫn bởi những ưu điểm của nó đồng thời chấp nhận được những nhược điểm. Do đó, bài viết này của tôi sẽ không nằm ngoài mục đích chia sẻ với bạn đọc những trải nghiệm thực tế trên chiếc xe đầy cá tính này.
Ưu việt trên đường trường
Khác với khối động cơ I-Get 125 có công suất chỉ ở mức 12 mã lực gắn trên cùng phiên bản GTS Super 2017, GTS 300 là một chiếc xe phân khối lớn đích thực với động cơ Quasar 278,3cc ấn tượng, cho công suất lên tới 21 mã lực và mô men xoắn đạt 22Nm - để những chàng trai đam mê tốc độ cảm thấy tò mò và phấn khích. Ngay khi cầm lái, bất cứ ai cũng không khỏi bất ngờ với gia tốc của chiếc xe.
Khả năng tăng tốc từ 0 tới 80km/h của GTS 300 dường như không hề thua kém bất cứ chiếc xe côn tay thể thao nào có cùng dung tích động cơ. Điều này có được là do kiểu bộ truyền động vô cấp trên xe ga cộng với lực xoắn lớn nhờ đường kính bánh nhỏ hơn xe thể thao (12/17 inch) đã giúp cho chiếc xe có được sơ tốc ban đầu rất tốt.
Tuy nhiên, do chỉ là một chiếc xe tay ga bánh nhỏ (12 inch) nên nhà sản suất đã giới hạn tốc độ tối đa ở mức an toàn chứ không thể "thả ga" như các xe thể thao côn tay khác. Thử nghiệm thực tế trên đường thẳng, GTS 300 đạt tốc độ tối đa 130km/h - một con số không phải quá ấn tượng nếu biết rằng những chiếc xe thể thao côn tay kiểu underbone như Honda Winner, Yamaha Exciter hay Suzuki Raider với động cơ 150cc đều có tốc độ tối đa trên 135km/h.
Nếu tốc độ tối đa của GTS 300 chưa phải là điểm đột phá thì khả năng ổn định thân xe ở tốc độ cao lại là điều khiến người lái không thể không hài lòng. Với trọng lượng khô lên tới 160kg, không hề thua kém các xe thể thao côn tay cùng dung tích (Kawasaki Ninja 300 nặng 168kg), GTS 300 dễ dàng tạo được sự ổn định tốt hơn rất nhiều so với các xe underbone ở cùng tốc độ vận hành. Đây có lẽ cũng là ý định của nhà sản xuất đặt cho mẫu xe này cái tên GTS vốn là viết tắt của cụm từ Gran Turismo Sport (xe du lịch thể thao cỡ lớn) - nhấn mạnh khả năng di chuyển ưu việt trên đường trường.
Thực tế đã cho thấy GTS 300 cho cảm giác lái khá "nhàn" khi đi trên đường quốc lộ. Thân xe kiểu scooter có bề ngang khá rộng khiến cho việc để chân khá thoải mái, không bị gò cứng khi ngồi lâu trên xe. Ngoài ra, phần yếm rộng cũng giúp cản gió tốt cho người lái, yên xe rộng và rất êm cho tư thế ngồi ổn định và cân bằng.
Nếu xe được trang bị thêm bộ phụ kiện touring chính hãng bao gồm kính chắn gió lớn, giá để đồ và thùng tựa lưng, chắc chắn bạn sẽ có 1 chuyến đi xa rất "nhẹ nhàng", thoải mái ngắm cảnh và tận hưởng hương vị từ thiên nhiên - điều bạn không bao giờ có thể cảm nhận khi ngồi trong xe hơi.
Điểm yếu bộc lộ khi di chuyển trong nội thành
Bên cạnh những ưu thế tuyệt vời khi đi đường trường thì GTS 300 cũng bộc lộ những nhược điểm không phải lúc nào cũng dễ chịu mà điển hình là... nóng. Động cơ Quasar là phiên bản động cơ được thiết kế tại Ý, phát triển cho thị trường châu Âu vốn có khí hậu ôn đới nên hệ thống làm mát dường như không mấy thích hợp với khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đặc biệt khi vận hành trong khu vực đô thị.
Nếu như khi đi trên đường trường với tốc độ ổn định, hệ thống làm mát bằng dung dịch của xe hoạt động tương đối ổn định và hầu như không gặp trở ngại nào thì ngược lại, khi di chuyển trong nội thị, động cơ xe bị tăng nhiệt nhanh chóng. Chỉ cần dừng 2 đèn đỏ hoặc đi chậm dưới 20 km/h trong khoảng 15 phút là hệ thống làm mát tự động của két tản nhiệt hầu như không đủ đáp ứng, dẫn tới hệ thống quạt cưỡng bức gắn trên két dung dịch sẽ phải liên tục làm việc, gây ra tiếng ồn rất lớn.
Đây được đánh giá là sự bất tiện rõ rệt nhất của chiếc GTS 300 khi vận hành trong khu vực nội thị. Hy vọng rằng, nhà sản xuất sẽ có sự điều chỉnh hoặc thay thế phù hợp hơn trong các phiên bản sản xuất kế tiếp.
Ngoài tiếng ồn gây khó chịu của quạt gió làm mát cưỡng bức thì sức nóng của động cơ còn tác động đáng kể tới toàn bộ thân xe, cụ thể là phần vỏ kim loại. Chỉ cần đi khoảng 15 phút trên đường giờ tan tầm, bạn sẽ mau chóng cảm nhận rõ rệt sức nóng từ động cơ lan tỏa tới toàn bộ xe. Sườn xe nóng ran tới mức người ngồi sau chạm chân vào cũng cảm thấy giật mình. Nhiệt độ trong cốp dưới yên còn kinh khủng hơn do là khoang kín và nằm ngay trên động cơ, rất lưu ý người sử dụng khi để đồ cá nhân và di chuyển trên đường đông đúc.
Vậy chạy xe GTS 300 có tuyệt không? Từ quan điểm cá nhân tôi - một người đam mê xe, tốc độ và những con đường - thì câu trả lời vẫn là có. Về bản chất, những vẫn đề bất tiện đã nêu trên cũng là những đặc trưng cơ bản của một chiếc xe phân khối lớn (PKL): Nóng và Nặng. Thế nên, đối với những người chơi xe PKL thì đó không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Bởi những chiếc xe lớn được sinh ra là dành cho những con đường lớn, nơi ta có nhiều giờ vặn ga và trải nghiệm cảm giác lái tuyệt vời trong cảnh đẹp nên thơ.
GTS 300 liệu có tốn xăng?
Câu hỏi này chính là lí do mà tôi thực hiện bài viết này bởi nếu chỉ phỏng đoán hay dựa theo thông số được công bố từ nhà sản xuất, bạn sẽ rất bất ngờ với những trải nghiệm thực tế. Để có được những thông số trung thực và sát với thực tế nhất, tôi đã thử nghiệm chạy xe lần lượt 3 lần, mỗi lần 100 km trên 3 kiểu lái và đường xá khác nhau với mong muốn tìm ra mức tiêu thụ cao nhất và thấp nhất có thể.
Phép thử đầu tiên là việc chạy trên đường hỗn hợp đô thị giờ cao điểm, đường đèo dốc, đường quốc lộ, đường thử tốc độ... với kiểu đi "tăng động" nhất có thể. Tức là bao gồm cả nhích chậm trên phố đông, đề pa từ đèn đỏ và chạy max speed trên khoảng 20km đường thẳng. Kết quả là GTS 300 đã tiêu thụ tối đa 4,8 lít xăng cho 100km di chuyển.
Sau đó là thử nghiệm lái xe cho nhu cầu hàng ngày trong nội thị với tốc độ và cách chạy như đa số xe cộ trên đường. Kết quả là sau 100km, xe tiêu thụ hết 4,2 lít xăng.
Sau cùng là thử nghiệm trên đường trường với 100km liên tục ở tốc độ 60km/h. Kết quả thu được khá bất ngờ khi GTS 300 chỉ tiêu thụ tròn 3 lít xăng mà thôi.
Điều gây bất ngờ lớn nhất cho người trải nghiệm chính là mức độ tiêu thụ chênh lệch khá lớn giữa tối đa và tối thiểu: 4,8/3 (tương đương với độ chênh lệch 35%). Rõ ràng, khi xe phải hoạt động ở hiệu suất cao, nhiên liêu tiêu thụ cũng cao đáng kể. Đây được coi là mức chênh khá lớn nếu so với các xe máy có cùng dung tích xi lanh.
Bất ngờ thứ 2 là mức độ chệnh lệch khá nhỏ trong tiêu thụ nhiên liệu giữa việc chạy xe với công suất cao và di chuyển bình thường trong đô thị (tốc độ trung bình 20km/h): 4,8/4,2 (tương đương 7% chênh lệch). Điều đó có nghĩa rằng đối với một lái xe chạy kiểu "tay thỏ" trong thành phố và một lái xe chạy kiểu "hổ báo" thì mức tiêu hao nhiên liệu đối với GTS 300 là không đáng kể.
Lí giải cho những kết quả mang tính bất ngờ này, người trải nghiệm đã đưa ra 2 giả thiết như sau: Nguyên nhân thứ nhất là hệ thống làm mát động cơ. Chính việc luôn phải hoạt động trong giới hạn quá nhiệt đã khiến cho động cơ xe bị hao tổn công suất đáng kể, và để bù cho sự hao tổn đó chính là việc động cơ sẽ đốt thêm nhiên liệu để đảm bảo công suất. Điều đó có thể thấy rõ khi xe chạy trên đường trường với tốc độ ổn định, hệ thống làm mát cũng ổn định hơn và lượng xăng tiêu thụ đã trở về gần hơn với thông số lí tưởng của nhà sản suất (2,4lít/100km). Nguyên nhân thứ 2 chính là trọng lượng xe, một chiếc xe nặng tới 160kg (trọng lượng khô) cộng với tải trọng của người lái rõ ràng sẽ tạo nên sức ì đáng kể nếu phải liên tục dừng đèn đỏ và tăng giảm ga. Độ vọt lí tưởng của chiếc xe đã phải "trả giá" bằng chính lượng tiêu thụ xăng chênh lệch nếu so với lúc chạy đều tốc trên đường trường.
Từ những kết quả thử nghiệm trên, có thể chủ quan kết luận rằng, GTS 300 không phải là chiếc xe dành cho việc di chuyển liên tục trong đô thị. Sức nóng của chiếc xe cộng với lượng tiêu thụ nhiên liệu khá cao sẽ khiến cho nhưng ai có ý định sử dụng xe cho nhu cầu di chuyển thông thường trong đô thị phải e ngại.
Vespa GTS Super 300 liệu có phải là chiếc xe tuyệt vời?
Như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết, định nghĩa về độ hoàn hảo của một chiếc xe một phần phụ thuộc vào bản chất chiếc xe, những quan trọng hơn cả là ở nhu cầu cũng như độ hài lòng của người sử dụng. Đối với những người yêu tốc độ và đam mê du lịch, GTS 300 quả thực là chiếc xe tuyệt vời khi đem đến cho người lái những chuyến đi đầy thú vị và hấp dẫn.
Cảm giác vận hành nhàn nhã như một xe tay ga cộng với sức mạnh và độ ổn định như xe PKL là điều mà nhiều đấng mày râu mong muốn. Và khi đó, những nhược điểm không mấy dễ chịu kia sẽ bị khỏa lấp bởi những cảm xúc mà chủ xe có được sau những chuyến hành trình dài.
"Not for every one" - slogan này của Vespa dường như khá đúng với chiếc xe GTS 300. Hiểu rõ ưu - nhược điểm của chiếc xe mình cầm lái và tận hưởng những điều tuyệt vời mà chiếc xe mang lại, đó mới là cách chơi đích thực của những quý ông lịch lãm và cá tính.
Phạm Minh
Nguồn tin: https://news.otofun.net/vespa-gts-super-300-nhung-trai-nghiem-thuc-te-11971.html
Tin liên quan
Hieunam: 0912141184
Email: wagonclub0110@yahoo.com
Địa chỉ : Mai Động - Hoàng Mai - Hà Nội
TK Vietcombank: 0021002269891
Nguyen Duc Hieu