You are here
Thiết kế cánh gió trước xe đua F1: Không hề giống nhau như bạn tưởng
Thoạt nhìn, hầu hết các chi tiết khí động học trên xe đua F1 đều trông na ná nhau, tuy nhiên mỗi đội đua lại có cách biến tấu riêng để tạo ra sự khác biệt dù chỉ là rất nhỏ ở khả năng vận hành của những cỗ máy tốc độ nhất hành tinh.
Mùa giải 2019 được FIA áp dụng thêm hàng loạt các quy định về kỹ thuật, trong đó bao gồm yêu cầu về thiết kế của cánh gió trước - một trong những chi tiết quan trọng bậc nhất quyết định khả năng khí động học của xe. Đây thực sự là một thách thức với các kỹ sư khi yêu cầu đặt ra với cánh gió trước vừa phải đảm bảo quy định của FIA, vừa điều khiển được luồng khí chạy xung quanh lốp trước đến dọc toàn bộ thân xe mà vẫn tạo được lực ép lớn nhất xuống mặt đường.
2 trường phái thiết kế cánh gió trước mùa giải 2019 |
So với mùa giải 2018, năm nay thiết kế cánh gió trước của các đội đua đều được mở rộng ra khoảng 100mm, chia thành nhiều lớp rất uyển chuyển. Trải qua gần 70 năm hình thành và phát triển, thiết kế khí động học trên xe đua F1 ngày nay đã gần như hoàn hảo và đóng thành bộ khuôn chung áp dụng cho tất cả các đội đua.
Tuy nhiên vẫn có những chi tiết khác biệt nhỏ nhất sẽ làm nên chiến thắng và năm nay, thiết kế cánh gió trước được chia làm 2 thái cực: Mercedes và Red Bull một đầu và Alfa Romeo cùng Ferrari ở đầu còn lại. Dễ dàng nhận thấy Mercedes W10 và Redbull RB15 có các cánh gió trải đều còn Alfa Romeo và Ferrari thì xuôi dần xuống ở phía cạnh ngoài.
Thiết kế cánh gió trước của 10 đội đua tham gia mùa giải 2019 |
Dưới đây là thiết kế chi tiết cánh gió trước của các đội đua F1 mùa giải 2019:
Alfa Romeo C38
Có thể nói, C38 là mẫu xe đua có cánh gió trước mỏng manh nhất trong 10 mẫu xe đua của năm nay. Rõ ràng với thiết kế như thế này, Alfa Romeo đã ưu tiên việc điều hướng dòng không khí đi xung quanh lốp xe hơn là tăng lực ép xuống mặt đường.
Ferrari SF90
Cùng một kiểu nhưng thiết kế trên SF90 của Ferrari tối ưu hơn so với Alfa Romeo, 5 cánh gió xếp lớp được nâng cao hẳn từ trung tâm trước khi chụm lại dần ở điểm kết thúc. Thiết kế cánh gió lượn sóng không chỉ hỗ trợ luồng không khí xung quanh bánh xe mà còn tạo nên một họng hút gió giúp tăng lực ép một cách hiệu quả.
Honda Toro Rosso STR14
Phân đội trẻ của Red Bull dưới logo Honda sử dụng thiết kế cánh gió ngược lại hoàn toàn với đội chính. Thiết kế này tương tự của Ferrari, nhô cao ở trung tâm và chụm lại dần ở phía ngoài tuy nhiên kém tinh vi hơn đội đua của nước Ý.
Racing Point RP19
Thiết kế của Racing Point được đánh giá là sự hoà trộn của cả 2 phong cách như đã nêu ở phần đầu của bài viết. Đội đua non trẻ kết hợp một chút của Ferrari ở thiết kế lượn sóng nhưng nhẹ nhàng hơn, vẫn tạo ra được họng hút gió dưới gầm xe song không quá chụm lại ở điểm kết thúc phía ngoài.
McLaren MCL34
Tương tự Racing Point, mẫu MCL34 của McLaren không hạ quá thấp cánh gió mà ở mức trung bình. Các cánh gió vểnh lên một cách rõ ràng từ trung tâm ra phía mép ngoài.
Renault RS19
Cách xếp lớp các cánh gió của Renault khá chật hẹp ở phần đầu và vểnh lên khá nhẹ khi kết thúc. Ở 2 bên, các yếu tố sử dụng khoảng một nửa độ sâu cho phép, nhiều hơn đáng kể so với Ferrari, và ít hơn so với Mercedes, khá trung tính.
Haas VF-19
Mặc dù được nghiên cứu chế tạo trong hầm gió của Ferrari, bởi các kỹ sư của hãng xe Ý tuy nhiên Haas VF-19 lại có kết cấu ngược lại hoàn toàn. Thiết kế này tương tự của Mercedes, tạo ra diện tích tiếp xúc rộng hơn nhưng bù lại thì không có được họng hút gió tốt như của Ferrari.
Williams FW42
Cách xếp lớp của đội Williams tận dụng tối đa chiều cao cho phép của FIA dành cho cánh gió trước. Thiết kế 2 cánh gió sau cùng có phần tiếp giáp chếch hẳn lên với điểm kết thúc ở 2 đầu cho phép luồng khí được điều khiển xoáy mạnh hơn vào bánh trước.
Red Bull RB15
Red Bull có thiết kế cánh gió trước thấp hơn hẳn ở phía ngoài và cao dần khi tiến vào trong. Kiểu bố trí này khác với xếp từng nếp đều nhau trên McLaren MCL34 đồng thời chỉ hơi chếch lên một chút ở phía dưới cùng.
Mercedes W10
Chiếc xe của nhà đương kim vô địch được nhiều người đánh giá là đẹp nhất của năm nay với thiết kế các cánh gió xếp lớp rất đều và đẹp. Sử dụng tối đa độ sâu được cho phép và cao dần đều lên ở các cánh gió phía trong. Thiết kế trông có phần đẹp mắt và khoa học này lại dễ tạo ra sự xáo trộn về luồng gió ở phía trước, tuy nhiên thiết kế hơi vểnh lên cùng cánh lướt gió sau cùng hơi hướng vào phía trong lại giải quyết tốt vấn đề này mà vẫn có một họng hút gió hiệu quả giống như của Ferrari.
Nguồn tin: https://news.otofun.net/thiet-ke-canh-gio-truoc-xe-dua-f1-khong-he-giong-nhau-nhu-ban-tuong-16337.html
Tin liên quan
Hieunam: 0912141184
Email: wagonclub0110@yahoo.com
Địa chỉ : Mai Động - Hoàng Mai - Hà Nội
TK Vietcombank: 0021002269891
Nguyen Duc Hieu